Spotify đang là dịch vụ stream nhạc có số lượng người dùng áp đảo nhất trên toàn cầu. Ở vị trí số 2, Apple Music mới chỉ có 27 triệu người dùng trả phí trong khi Google hay Amazon đều chưa có số liệu đủ lạc quan để công bố.
Đó là thống kê cuối năm 2017, khi Spotify chưa có mặt tại Việt Nam. Dù vậy, dịch vụ nghe nhạc này luôn cuốn hút những người yêu âm nhạc tại Việt Nam khi họ luôn cố dùng nhiều cách để có thể sử dụng được Spotify. Vậy Spotify có gì hấp dẫn mà “hot” đến như vậy? Dưới đây là “điểm ăn tiền” của dịch vụ này.
Kho nhạc và tìm nhạc
Cũng giống như tất cả các dịch vụ stream và các ứng dụng nghe nhạc thông thường, bạn có thể sử dụng Spotify một cách dễ dàng bằng ô tìm kiếm. Đơn giản chỉ cần gõ tên bài hát/nghệ sĩ/album bạn muốn nghe vào ô tìm kiếm phía trên ứng dụng và click vào kết quả mà bạn muốn. Nếu muốn nhìn rõ ràng hơn, click nút “Show all Results” phía dưới sẽ đưa bạn đến một trang tìm kiếm đầy đủ chi tiết hơn.
Trên khía cạnh kho nhạc, Spotify đang tỏ ra ấn tượng hơn cả Apple lẫn Tidal. Chúng tôi đã thử một số thể loại như Metal, Jazz Fusion, Hard Rock, Nu-Metal, Pop, K-POP… và gần như trên thể loại nào dịch vụ này cũng đáp ứng tốt.
Đặc biệt, với các fan của nhạc Việt, Spotify có vẻ đã mang đến một kho nhạc chất lượng hơn hẳn các đối thủ như Apple Music và Tidal. Theo cảm nhận chủ quan của người viết, gần như toàn bộ các bài hát Việt có mặt trên Spotify đều là nhạc có bản quyền và có chất lượng khá tốt. Thực tế là chúng tôi có bắt gặp một số bản ghi “khả nghi”, ví dụ như có tên nghệ sĩ là “80s Forever”. Cần lưu ý rằng chứng minh bản ghi “xịn” hay “đểu” trên dịch vụ stream là gần như bất khả thi nhưng người dùng sẽ luôn luôn phải chấp nhận một lượng nhạc “đểu” nhất định trên mỗi dịch vụ.
Nhìn chung, nếu bạn đã quen với cách nghe nhạc “kiểu cũ” trên các trình nghe nhạc offline (tìm kiếm và bật bài hát) thì bạn chắc chắn sẽ không thất vọng với Spotify. Sử dụng dịch vụ này sẽ giúp bạn giải phóng được một khối lượng bộ nhớ khổng lồ để thay thế bằng một kho nhạc chất lượng.
Spotify vừa chính thức có mặt tại Việt Nam và có những nội dung sẽ khiến người hâm mộ hài lòng như những bản nhạc của những nghệ sĩ nổi tiếng từ Việt Nam như Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Sơn Tùng M-TP, đăc biệt là Mỹ Tâm với album Tam 9 – vốn không xuất hiện trên các kho nhạc trực tuyến chính thức tại Việt Nam.
Cá nhân hóa trải nghiệm bằng Playlist
Một trải nghiệm dành riêng cho mỗi người dùng đã trở thành tính năng bắt buộc cho các dịch vụ stream hiện nay. Ở vị trí dẫn đầu, Spotify rõ ràng là sẽ không gây thất vọng cho người dùng.
Cách dễ dàng nhất để tạo ra một “kho Spotify” của riêng bạn là thiết lập các danh sách chơi (Playlist). Thực tế, mục Playlist được tách ra khá nổi bật ở phía dưới màn hình. Đây sẽ là vị trí tập trung tất cả các danh sách mà bạn tạo thủ công, các danh sách mà bạn đã “Follow”. Điểm hấp dẫn nhất về danh sách bạn Follow là chúng sẽ được chính Spotify cập nhật tự động để bạn có thể dễ dàng khám phá các giai điệu mới.
Với các playlist tạo thủ công, Spotify mang đến khá nhiều biện pháp thêm (add) bài hát. Bạn có thể vào trang của nghệ sĩ và add từng album, từng bài hát, hoặc nhấn Cltr+A và add tất cả bài hát từ nghệ sĩ này. Nhưng ấn tượng hơn cả là từ giao diện của playlist, khi kéo xuống dưới bạn sẽ được gợi ý rất nhiều bài hát tương tự.
Ví dụ, trong bức ảnh ở trên, Spotify đã gợi ý rất nhiều bản nhạc từ các nghệ sĩ Post-Rock nổi bật sau khi người viết thêm 2 ban nhạc nổi bật của thể loại này là God Is An Astronaut và Collapse Under The Empire.
Một tính năng khác cũng rất hữu ích là khả năng tải về để nghe offline. Để thực hiện điều này, bạn chỉ cần bật nút Download có ở ngay dưới danh sách bài hát. Spotify cho phép tối đa 3.333 bài hát offline trên mỗi thiết bị, một con số có lẽ là vừa đủ cho những khoảnh khắc offline hiếm gặp.
Cá nhân hóa bằng những gợi ý
Phần gợi ý bên dưới chỉ là một phần trong “vũ khí” chính của Spotify: gợi ý dựa theo sở thích cá nhân của từng người.
Thú vị nhất trong số này là mục Your Daily Mixes, nơi tập trung 6 playlist được Spotify tự động tạo dựa trên lịch sử nghe nhạc của người dùng. Điều tuyệt vời là các playlist này được phân loại theo từng dòng nhạc, từng “mood” khác nhau: như bạn có thể thấy, Daily Mix 1 là V-Pop, Daily Mix 3 là các bản nhạc Metal hiện đại còn Daily Mix 5 của người viết đang quy tụ các nghệ sĩ Rock/Metal truyền thống.
Tiếp đến, trong mục Browse > Discover, bạn sẽ được đón nhận thêm rất nhiều các danh sách giới thiệu theo nhu cầu riêng. Phía trên cùng là Discover Weekly, bao gồm các bản nhạc bạn chưa từng nghe nhưng khả năng cao là phù hợp với sở thích của bạn. Bên cạnh là Release Radar, tập trung các bài hát mới phát hành từ các nghệ sĩ bạn yêu thích. Quả thật, khó có thể tìm được một dịch vụ nhạc nào ưu ái cho sở thích của từng người như một cách kỹ càng như Spotify.
Kéo xuống dưới, bạn sẽ được giới thiệu về các nghệ sĩ mới. Bạn thuộc nửa sau 8X/nửa đầu 8X và yêu thích Westlife? Các gợi ý dành cho M2M, 98 Degrees hay Backstreet Boys sẽ giúp bạn hoài cổ. Bạn thích Arch Enemy? Một loạt các band Melodeath chất lượng như Dark Tranquility, Ensiferum và Amon Amarth đang chờ đợi bạn.
Một trải nghiệm nghe nhạc không ngừng nghỉ
Tab “Discover” mà chúng tôi vừa nhắc đến cũng chỉ là một phần trong “kho nhạc” mà Spotify mang đến người dùng. Tab này thuộc về màn hình Browse, nơi bạn có thể khám phá kho nhạc của dịch vụ nhạc số 1 thế giới theo các bảng xếp hạng đình đám của 50 nước, các nội dung viral, các thể loại. Bạn có thể nghe nhạc theo thập niên, nghe nhạc theo cảm xúc, nghe nhạc để phản đối phán quyết chống lại người chuyển giới của tổng thống Trump hay nghe nhạc để… chờ đợi giấc ngủ trong mục “Sleep”.
Chưa dừng ở đây, Spotify còn cả một kho nội dung Podcast (nội dung ghi âm) và Radio để người nghe thưởng thức. Với Podcast, các nội dung có thể được duyệt theo chủ để (game hoặc tin giải trí chẳng hạn) hoặc gợi ý từ chính các Podcast cũ mà bạn ưa thích. Các Radio của nghệ sĩ là một danh sách dài, ngẫu nhiên và không được hé lộ toàn bộ chứa các bài hát của nghệ sĩ này và các nghệ sĩ tương ứng. Thực chất, “Radio” là tính năng miễn phí để thu hút người dùng nên cũng không quá ấn tượng.
Chất lượng nhạc và tốc độ
Theo tuyên bố của Spotify, gói Premium sử dụng định dạng Ogg Vorbis ở mức 320 kps. Trải nghiệm của người viết cho thấy phần đông nhạc của dịch vụ này khá “mượt”, không có các lỗi tạp âm do chuyển đổi (convert) từ nguồn kém/lậu. Dĩ nhiên, các lỗi do chính bản âm gốc gây ra vẫn sẽ tồn tại.
Một điểm trừ không đáng có là Spotify trên PC không hề hỗ trợ tính năng chơi exclusive (“độc quyền phần cứng” của chip xử lý âm thanh) vốn đã được hỗ trợ trên rất nhiều trình chơi nhạc được các fan audio sử dụng. Có thể nói rằng Spotify đang bỏ qua cuộc đua audiophile, thay vào đó tập trung vào tính tiện dụng cho người dùng.
Có đáng với giá tiền?
Nhìn chung, nghe nhạc bằng Spotify không chỉ là thay thế kho nhạc online bằng offline. Dịch vụ stream số 1 thế giới đã tạo ra những cơ chế tuyệt vời để liên tục cuốn người dùng vào một trải nghiệm nghe nhạc liên tục với những gợi ý thực sự chất lượng. Trong khi chất lượng vẫn còn thua kém Tidal và cũng không hỗ trợ chế độ chơi exclusive cho DAC cao cấp, Spotify thực sự là dịch vụ stream tuyệt vời nhất vào lúc này.
Nguồn: Doanhnhansaigon