Hướng dẫn 7 bước để bảo vệ tài khoản Google

37

Dành cho ai chưa biết: tôi là kỹ sư bảo mật ở Google. Trong loạt bài này tôi sẽ giới thiệu một số công cụ và phương án giúp an toàn hơn khi sử dụng Internet. Nếu có câu hỏi, vui lòng còm hoặc gửi trực tiếp đến thaidn@gmail.com.

gmail-banner

Trong bài đầu tiên này tôi sẽ hướng dẫn cách tạo và bảo vệ tài khoản Google, tài sản quan trọng nhất của nhiều người dùng Internet. Lưu ý nếu chữ “tài khoản Google” nghe lạ tai thì bạn có thể hiểu đây là tài khoản email có đuôi @gmail.com của bạn.

1. Mỗi người phải có ít nhất 02 tài khoản Google – Một tài khoản công khai, dùng cho các hoạt động trên Internet. Tài khoản này có thể được dùng để gửi email với bạn bè, người thân, hay đăng ký các dịch vụ như Facebook, các diễn đàn, hoặc các trang mua sắm thông thường, v.v.

– Một tài khoản bí mật, không nói cho ai biết hết. Tài khoản này dùng để đăng ký các dịch vụ quan trọng như ngân hàng điện tử và dùng làm tài khoản khôi phục (xem bên dưới) cho tài khoản công khai.

Đăng ký tài khoản bằng cách:

– Nhấp vô https://accounts.google.com/signup?hl=vi

– Có thể sử dụng tên giả, ảnh giả, ngày sinh giả nếu muốn

– Không cần phải nhập email hiện tại và số điện thoại

2. Chọn mật khẩu tốt và không dùng lại mật khẩu này cho bất kỳ dịch vụ nào khác
Một cách đơn giản để chọn mật khẩu tốt: chọn năm chữ trích ra từ một câu thơ, một câu văn hay một câu nói nào đó, giữ nguyên chấm phẩy và khoảng trắng. Ví dụ:

– “Toi k0 thich an trai cay!” (tức “Tôi không thích ăn trái cây!”)

– “Phe nao thang thi nhan dan” (trích từ câu “Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”)

– “Yeu nhau trong sang phang” (trích từ câu “Yêu nhau trong sáng phang nhau trong tối”)

– “Dau long 02 a To Nga” (tức “Đầu lòng hai ả tố nga”)

Đổi mật khẩu tài khoản có sẵn bằng cách

– Nhấp vô https://myaccount.google.com/security?hl=vi

– Chọn tài khoản và nhập mật khẩu, nếu được hỏi

– Nhấp vô chữ “Mật khẩu” để đổi mật khẩu

3. Kích hoạt tính năng “Xác minh 2 bước”
Tính năng này giúp bảo vệ tài khoản ngay cả khi mật khẩu bị đánh cắp. Kích hoạt tính năng “Xác minh 2 bước” bằng cách:

– Nhấp vô https://myaccount.google.com/security?hl=vi

– Chọn tài khoản và nhập mật khẩu, nếu được hỏi

– Nhấp vô chữ “Xác minh 2 bước”

Có nhiều phương án bảo vệ, theo thứ tự ưu tiên sau đây

– Khóa bảo mật: giá 6 USD.

– Ứng dụng Google Authenticator: miễn phí, dành cho những có điện thoại xịn (iPhone, Samsung, v.v.)

– Tạo và in mã dự phòng rồi cất vô nơi an toàn (ví tiền, két sắt, v.v).

– Tạo số điện thoại dự phòng. Phương thức này không an toàn lắm, vì điện thoại có thể bị nghe trộm.

4. Thêm tùy chọn khôi phục tài khoản
Đối với tài khoản bí mật, có thể chọn khôi phục bằng điện thoại. Đối với tài khoản công khai, có thể chọn khôi phục bằng tài khoản bí mật.

Thêm tùy chọn khôi phục tài khoản cho tài khoản công khai bằng cách:

– Nhấp vô https://myaccount.google.com/security?hl=vi

– Đăng nhập vào tài khoản công khai

– Chọn “Email khôi phục” và nhập vào email bí mật

Thêm tùy chọn khôi phục tài khoản cho tài khoản bí mật bằng cách

– Nhấp vô https://myaccount.google.com/security?hl=vi

– Đăng nhập vào tài khoản công khai

– Chọn “Số điện thoại khôi phục” và nhập vào số điện thoại

5. Điều chỉnh các chương trình thu thập dữ liệu
Để giúp các dịch vụ của Google trở nên hữu dụng hơn cho bạn, Google thu thập dữ liệu liên quan đến tài khoản của bạn. Ví dụ như Google có thể lưu lại bạn đã tìm kiếm những từ khóa nào (và từ đó giúp tối ưu kết quả tìm kiếm). Nếu bạn cảm thấy những tính năng này là không cần thiết, bạn có thể tắt chúng đi.

Tắt các chương trình thu thập dữ liệu bằng cách:

– Nhấp vào https://myaccount.google.com/privacy?hl=vi#accounthistory.

– Đăng nhập vào tài khoản cần điều chỉnh, nếu được hỏi.

– Tắt “Tìm kiếm và hoạt động duyệt web của bạn” để Google không lưu lại thông tin tìm kiếm và hoạt động duyệt web.

– Tắt “Nơi bạn đến” để Google không lưu lại những nơi bạn đã viếng thăm bằng dịch vụ Google Maps.

– Tắt “Thông tin từ thiết bị của bạn”, nếu bạn không muốn Google sao lưu thông tin danh bạ, lịch làm việc và các dữ liệu khác trên điện thoại Android (Samsung, LG, v.v.) của bạn.

6. Kiểm tra định kỳ
Tất cả các công cụ và tính năng ở trên đều có thể được truy cập từ trang https://myaccount.google.com/?hl=vi. Giống như kiểm tra sức khỏe định kỳ, mỗi người nên tự đặt lịch hẹn, mỗi 6 tháng vô lại trang này để kiểm tra lại tài khoản của mình, xem có chỗ nào cần điều chỉnh hay không.

7. Khắc phục sự cố
Nếu vì lý do nào đó bạn không thể đăng nhập vô được tài khoản, bạn có thể yêu cầu Google hỗ trợ bằng cách truy cập vào https://www.google.com/accounts/recovery/?hl=vi.

Nguồn: vnhacker.blogspot.com